• 0989.617.468
  • newhorizon.hotro@gmail.com

Các chính sách phúc lợi của các MNCs

Các chính sách phúc lợi của các MNCs

Bài viết bản quyền của New Horizon Academy

Các khái niệm và định nghĩa về “phúc lợi”

Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, phúc lợi dành cho người lao động có thể được hiểu là “Các loại cơ sở vật chất, các dịch vụ, tiện nghi được xây dựng theo cam kết để tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh, cũng như tận dụng các lợi ích có sẵn để cải thiện sức khỏe, tinh thần và năng suất làm việc.”

Phúc lợi là một thuật ngữ được dùng trong ngành quản trị nhân sự. Phúc lợi hay Benefits trong tiếng Anh là phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống cho người lao động.

Phúc lợi là mọi lợi ích về vật chất và cả tinh thần được tạo được thực hiện nhằm mục đích cải thiện chất lượng sống và hiệu suất làm việc của người lao động. Chính sách phúc lợi thường bao gồm các loại tiền thưởng mà NLĐ được nhận trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua các sản phẩm bảo hiểm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất.

Phúc lợi thường chiếm tới 30% thù lao tài chính, ở các nước phát triển khi tiền công/tiền lương của người lao động ở một ngưỡng cao thì các tổ chức có xu hướng tăng các phúc lợi để thu hút và gìn giữ nhân tài trong doanh nghiệp.

Đối với NLĐ: mỗi một NLĐ khi tham gia vào thị trường lao động đều vì một động cơ riêng. Động cơ tạo ra những nhu cầu, mong muốn của NLĐ và chi phối đến trạng thái tâm lý cũng như hành động của họ. Khi nhu cầu của NLĐ được thỏa mãn thì những tình cảm tích cực sẽ xuất hiện và tạo ra những hành động tích cực của chủ thể đó. Muốn duy trì, phát triển tinh thần làm việc hăng say của NLĐ nhất thiết DN phải đáp ứng được nhu cầu của họ thông qua việc tìm hiểu động cơ thúc đẩy NLĐ.

Đối với NSDLĐ: để cho bộ máy quản lý nhân sự ở DN làm việc có hiệu quả thì việc tuyển dụng nhân viên, đào tạo và nâng cao tay nghề mới là yếu tố quan trọng ban đầu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được khả năng tiềm tàng trong mỗi NLĐ, tạo thành sức mạnh tập thể, làm thế nào để NLĐ luôn đạt năng suất làm việc hiệu quả làm việc cao hơn, làm thế nào để họ trung thành với DN, cống hiến hết mình cho DN. Và câu trả lời là chế độ tiền lương, phúc lợi hợp lý, thỏa đáng. Song với điều kiện mức sống của người NLĐ tại Tp HCM hiện nay ngày càng cao, NLĐ cống hiến công sức cho DN không chỉ vì “Cơm áo gạo tiền”. Vì thế, để khuyến khích NLĐ, DN cần tạo ra một môi trường làm việc tốt, có những chương trình chăm sóc, quan tâm đến nhân viên và gia đình hơn nữa. Tất cả những yếu tố đó gọi chung là phúc lợi nhân sự.

Phúc lợi nhân sự là quá trình chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ để NLĐ có thể yên tâm mà hoàn thành tốt công việc được giao, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu của DN. Ví dụ như:

  • Giúp NSDLĐ Xây dựng lực lượng lao động ổn định để giảm thiểu tình trạng luân chuyển lao động và tình trạng nghỉ việc. Tăng lòng trung thành và đạo đức nghề nghiệp của NLĐ
  • Giúp NSDLĐ Thu hút lực lượng lao động và tạo điều kiện cho NLĐ có cuộc sống thoải mái và hài lòng hơn. Giúp NSDLĐ Tuyển dụng đạt hiệu quả hơn
  • Phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống cho NLĐ như hỗ trợ tiền mua nhà, xe, tiền khám chữa bệnh. Tăng chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cơm áo gạo tiền cho NLĐ. Tăng hiệu ứng về tinh thần làm cho NLĐ cảm thấy thoải mái chú tâm vào công việc từ đó dẫn đến tăng năng suất lao động.
  • Góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhân viên và nâng cao năng suất lao động.
  • Tăng uy tín của doanh nghiệp trên thương trường, những phản hồi tích cực từ người lao động giúp tuyển mộ và gìn giữ một lực lượng lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp.
  • Giảm bớt gánh nặng của xã hội trong việc chăm lo cho người lao động như bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Vì thế, phúc lợi nhân sự là một quá trình mà ở đó thể hiện cả 2 mặt kinh tế và xã hội nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của NLĐ. Khi NLĐ hài lòng thì họ sẽ cống hiến, gắn bó cũng dẫn đến DN phát triển bền vững hơn.

Các hình thái của “Phúc lợi”

Chế độ phúc lợi là một trong những quyền lợi của người lao động được hưởng do pháp luật bảo hộ khi được đưa vào HĐLĐ hay TƯLĐTT. Chi phí phúc lợi được chi trả bởi DNcó thể được trích một phần từ lương của NLĐ. Các hoạt động phúc lợi buộc phải tuân theo các quy định của luật pháp, và cũng có thể được cung cấp tự nguyện bởi doanh nghiệp

Về mặt lý thuyết: các phúc lợi lao động – bao gồm cả 2 hình thức bắt buộc và không bắt buộc (tự nguyện): bao gồm tất cả các hoạt động mà NSDLĐ cung cấp cho NLĐ, đây là cách tiếp cận từ phía NSDLĐ cung cấp các phúc lợi lao động khác nhau cho NLĐ như phúc lợi về nhà cửa, về giáo dục, phúc lợi đi lại và các phúc lợi để giải trí cụ thể như canteen tại nơi làm việc, các ngày nghỉ ngoài các ngày nghỉ lễ theo luật định, chương trình bảo hiểm sức khỏe ngoài BHYT theo luật, viện phí hoàn lại, du lịch, điện thoại, sách báo hay các chuyển nghỉ dưỡng, các khóa học, v.v

Phúc lợi bắt buộc

Phúc lợi bắt buộc là các phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của pháp luật. Theo Bộ Luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 loại bảo hiểm xã hội:

– Trợ cấp ốm đau

– Tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp

– Thai sản

– Hưu trí

– Tử tuất

Nhưng các chủ DN có thể hỗ trợ thêm tùy theo tình hình. Ví dụ khi NLĐ bị tai nạn mất sức lao động thì DN có thể hỗ trợ thêm một số tiền ngoài quy định hoặc nhận chăm lo cho gia đình nạn nhân suốt đời bằng nhiều hình thức thể hiện tấm lòng của DN.

Phúc lợi tự nguyện

Bên cạnh các loại phúc lợi bắt buộc, nhiều doanh nghiệp có khả năng kinh tế còn thể hiện sự quan tâm đến người lao động thông qua các phúc lợi tự nguyện. Chế độ phúc lợi tự nguyện là các loại phúc lợi mà tổ chức, doanh nghiệp đưa ra căn cứ vào khả năng tài chính và chính sách của lãnh đạo có thể thay đổi linh hoạt bởi DN, trong đó phổ biến nhất là mua bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và người thân của họ.

Có rất nhiều phúc lợi tự nguyện để doanh nghiệp có thể áp dụng thực hiện như: Chế độ thưởng hấp dẫn, Chế độ tiền lương hấp dẫn, Tăng lương hàng năm, Nghỉ phép năm, Du lịch cùng công ty, Thực hiện các chương trình đào tạo chuyên môn, Kiểm tra sức khỏe định kỳ, Trợ cấp làm thêm giờ, Trợ cấp ngày nghỉ lễ, Trợ cấp ăn trưa, Thưởng cổ phiếu, Trợ cấp điện thoại, Trợ cấp đi lại, Trợ cấp nơi ở và nhiều trợ cấp khác.

Ngoài ra, một số tổ chức còn sáng tạo nhiều loại phúc lợi khác nhau tùy vào nhu cầu, đặc điểm nhân khẩu học của người lao động như chi phí di chuyển khi đi làm, chi phí ăn uống hàng ngày. Nhiều DN chú trọng cung cấp các phúc lợi liên quan đến đời sống tinh thần và giải trí của nhân viên như gói tập gym, spa, chăm sóc sắc đẹp hay các hoạt động TDTT.

Tầm quan trọng của Phúc lợi trong doanh nghiệp

Phúc lợi có vai trò rất quan trọng đối với DN và NLĐ trong việc đảm bảo toàn thể đội ngũ nhân viên và người lao động trong tổ chức nhận được sự chăm sóc tốt nhất và phản ánh tầm nhìn và mức độ phát triển của doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của phúc lợi đối với người sử dụng lao động

Giảm gánh nặng tài chính: Chính sách phúc lợi giúp DN quản trị rủi ro cao với chi phí thấp và làm giảm gánh nặng tài chính. Phí bảo hiểm được khấu trừ thuế như chi phí của công ty, và sẽ giúp tiết kiệm cho tổ chức.

Giảm chi phí tuyển dụng: bên cạnh lương bổng thì phúc lợi là yếu tố nhân tài quan tâm hàng đầu khi tìm việc. Chính sách phúc lợi tốt sẽ là công cụ hữu hiệu, giúp người sử dụng lao động thu hút và giữ chân nhân viên, gia tăng uy tín doanh nghiệp, từ đó tiết kiệm đáng kể các khoản chi dành cho tuyển dụng.

Nâng cao hiệu suất làm việc: chính sách phúc lợi giúp xây dựng lực lượng lao động khỏe mạnh, giảm thiểu tình trạng vắng mặt hoặc làm việc khi ốm, gia tăng tinh thần làm việc cũng như sự hài lòng với công việc của nhân viên. Năng suất của nhân viên được cải thiện khi họ được đảm bảo an sinh cho bản thân và cả gia đình của họ.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp: người lao động cảm thấy được quan tâm sẽ tin tưởng và trung thành hơn với doanh nghiệp, từ đó các mối quan hệ trong tổ chức được cải thiện, lan tỏa năng lượng tích cực và các giá trị cốt lõi mà tổ chức đang xây dựng.

Tầm quan trọng của Phúc lợi đối với người lao động

An tâm cống hiến: NLĐ có thể cảm thấy an tâm và tăng năng suất làm việc cũng như mức độ hài lòng bằng cách đảm bảo rằng họ và gia đình họ được bảo vệ. Người lao động sẽ có động lực làm việc, gắn bó với tổ chức.

Nâng cao tài chính bên cạnh mức lương cơ bản: Nhân viên có thể nhận các khoản tiền trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các gói bảo hiểm, các dịch vụ, hoạt động đãi ngộ hàng ngày, từ đó nâng cao mức sống của mình.

Cải thiện sức khỏe thể chất: nhân viên khỏe mạnh hoặc được chăm sóc y tế kịp thời sẽ giảm thiểu tình trạng nghỉ ốm, cũng như tập trung tốt hơn cho công việc. NLĐ có bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tàn tật có thể được bảo đảm thêm về thu nhập trong trường hợp bị bệnh nặng hoặc tàn tật. Nhân viên có thể cảm thấy tự hào về công ty của họ nếu họ hài lòng với mức bảo hiểm nhận được.

Củng cố sức khỏe tinh thần: được quan tâm bằng những chính sách phúc lợi hợp lý sẽ nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên về doanh nghiệp, giảm đáng kể lo âu và căng thẳng trong công việc.

Gia tăng sự gắn bó: chế độ phúc lợi thúc đẩy gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa người lao động với nhau, và giữa người lao động với doanh nghiệp thông qua môi trường làm việc lành mạnh, hài hòa và ổn định.

Phúc lợi nhân sự quan trọng là vậy nhưng thực tế cho thấy mặc dù các DN chú trọng đến việc thu hút nhân tài, đầu tư vào đào tạo nhưng chưa có nhiều DN đầu tư thật sự vào vấn đề này, có chăng là một số DN, tập đoàn đa quốc gia. Vì thế, bài khảo sát này chủ yếu tập trung vào các phúc lợi mà các tập đoàn đa quốc gia tại địa bàn Tp HCM đang hướng tới.

Do có rất nhiều gói phúc lợi, vì thế, người làm ghề quản lý Nhân sự cần phải hiểu rõ và nhận diện các loại hình phúc lợi để từ đó giúp Chủ DN áp dụng cho hiệu quả. Một cách tổng quát thì phúc lợi được chia thành các nhóm như sau:

Phúc lợi Tài chính vs Phi Tài chính

Đối với NLĐ thì Phúc lợi dễ dàng nhận diện hay được thể hiện dưới hai hình thức cơ bản đó là phúc lợi tài chính và phúc lợi phi tài chính.

Phúc lợi tài chính

Phúc lợi tài chính là hình thức phúc lợi thực hiện bằng các công cụ tài chính như tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp, cổ phần… mà NSDLĐ trả cho NLĐ do họ đã thực hiện những công việc mà NSDLĐ giao. Đó là khoản tiền trả cho số lượng, chất lượng lao động, cho những đóng góp trên mức bình thường của NLĐ. Nó cũng có thể được trả cho NLĐ đảm nhận thêm trách nhiệm hoặc làm việc trong những điều kiện không bình thường, có khi là để NLĐ khắc phục những khó khăn, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ bù đắp hao phí lao động mà nó còn là công cụ quan trọng giúp DN tạo động lực kích thích nhân viên làm việc có hiệu quả.

Đây là khoản tiền liên quan trực tiếp đến năng suất lao động cũng như hiệu quả lao động của nhân viên và chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của họ.

Tiền thưởng chiếm phần lớn nhất trong quá trình duy trì nhân viên. Các nhân viên luôn có kỳ vọng cao về các gói thưởng của họ. Có sự khác nhau giữa các gói bồi thường giữa các ngành nghề lao động. Tiền thưởng thường được trao cho nhân viên vào cuối năm hoặc vào dịp lễ hội. Các quyền lợi bao gồm các kỳ nghỉ được trả lương, giảm giá khi đi du lịch, v.v. Có thể nói, lương thưởng hấp dẫn mà công ty đưa ra cho nhân viên là nền tảng phổ biến để giữ chân nhân viên trong một tổ chức.

Phúc lợi phi tài chính (các chính sách bảo hiểm)

Phải hiểu rằng phúc lợi Phi tài chính tức là không trả bằng tiền trực tiếp cho NLĐ ngay hay không quy đổi thành tiền để tiêu dùng được mà đó là những phúc lợi đem lại lợi ích cho NLĐ khi NLĐ gặp phải vấn đề khó khăn nào đó thì DN hoặc thông qua bên thứ 3 thay mặt xử lý giúp. Theo truyền thống, hầu hết các phúc lợi phi tài chính được sử dụng đều thuộc một trong 5 loại phúc lợi chính của nhân viên, đó là:

  • Bảo hiểm y tế
  • Bảo hiểm nhân thọ
  • Bảo hiểm thất nghiệp
  • Bảo hiểm tai nạn bảo hiểm du lịch / tàn tật / tử tuất
  • Chế độ hưu trí

  • Phúc lợi Trực tiếp vs Gián tiếp

Phúc lợi trực tiếp về môi trường làm việc

Đối với môi trường làm việc, NLĐ bao giờ cũng muốn làm việc trong một môi trường có chính sách hợp lý, đồng nghiệp hợp tính tình, điều kiện làm việc thoải mái, giờ giấc làm việc uyển chuyển. Ngoài ra, nhiều NLĐ muốn được chia sẻ công việc, được hưởng các chế độ ăn uống, nghỉ ngơi ở căn tin thậm chí còn làm việc tại nhà qua mạng…tất cả những điều kiện đó phụ thuộc vào bầu không khí, bản sắc của DN. Vì vậy, nhà quản lý phải làm sao để trong DN luôn tràn ngập một không khí sống và làm việc đặc biệt riêng, ở đó, mọi thành viên đều cảm nhận công ty như một cộng đồng sinh sống, trong đó có đầy đủ điều kiện sinh hoạt để phát triển và tự hoàn thiện bản thân.

Điều kiện và môi trường làm việc

Điều kiện làm việc: Các điều kiện mà nhân viên phải làm việc. Điều này bao gồm các vấn đề như nghỉ giải lao được phép, tình trạng sưởi ấm, chiếu sáng và thông gió của nơi làm việc, sự an toàn và thoải mái của máy móc, phương tiện và các thiết bị khác, mức độ nhân viên bình thường và các quy trình kỷ luật (Từ điển Oxford). Điều kiện lao động còn được thể hiện ở các yếu tố hỗ trợ công việc như bãi đậu xe, nơi ăn uống, nơi ngủ trưa …

Phục vụ thức ăn và đồ uống miễn phí tại văn phòng. Những nhân viên làm việc toàn thời gian cũng tỏ ra yêu thích công việc của mình hơn 10% khi được phục vụ đồ ăn và thức uống miễn phí tại văn phòng. Ngay cả khi doanh nghiệp không dư dả nhiều ngân sách cho phúc lợi thì việc cung cấp miễn phí bánh quy, cà phê và trà cũng góp phần tạo động lực cho nhân viên. Ngoài ra, nới lỏng quy định về ăn uống tại nơi làm việc cũng là yếu tố giúp tăng gắn kết nội bộ. Đặt đồ ăn vặt hay trà sữa vào cuối ngày tạo cơ hội trò chuyện, kết nối giữa nhân viên với nhau, qua đó dần dần xây dựng được văn hóa cộng tác trong DN.

Chúng ta đang đề cập đến các bữa ăn được cung cấp miễn phí ở các nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp hoặc nơi làm việc có số lượng lớn công nhân viên, điều được NLĐ rất hài lòng và đánh giá rất cao và cũng là một cách tốt để thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh tại nơi làm việc.

Phúc lợi gián tiếp cho người thân

Khi một công ty cung cấp cho nhân viên của họ quyền lợi chăm sóc người thân trong gia đình (cha mẹ và trẻ em), điều đó có thể giúp họ và gia đình duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những nhân viên cần và sử dụng quyền lợi chăm sóc người thân có thể cảm thấy hiệu quả hơn và ở lại công ty lâu hơn vì họ biết rằng họ có các lựa chọn để gia đình được chăm sóc khi họ đang làm việc. Ví dụ như chăm sóc trẻ em, nó cũng có thể làm giảm căng thẳng cho cha mẹ đang làm việc hoặc một gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện bao gồm cả cha mẹ và con cái của NLĐ sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ.

  • Phúc lợi chăm lo Sức khỏe vs Tinh thần

Phúc lợi chăm lo sức khỏe (vật lý)

Phúc lợi cho sức khỏe không những là những gói bảo hiểm khám sức khỏe định kỳ, gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe khi ốm đau bệnh tật, hay không những gói khám chữa răng thông thường mà còn là những hỗ trợ chi phí và khuyến khích NLĐ tham gia câu lạc bộ sức khỏe như bóng bàn, bida, nhóm chạy, nhóm cầu lông, nấu ăn, yoga trong khuôn viên nơi làm việc hoặc tại các câu lạc bộ bên ngoài được. Các hoạt động đội nhóm TDTT kích thích tinh thần và vận đng vì sức khỏe, ngoài ra còn tạo mối liên hệ gắn kết với nhau từ đó hiểu nhau hơn và gắn bó lâu dài.

Phúc lợi tác động tinh thần

Khích lệ tinh thần có rất nhiều cách khác nhau và đan xem giữa các gói phúc lợi như vừa mang tính chất là vật chất bằng tài chính hoặc phi vật chất bằng các hoạt động biểu dương tinh thần ghi nhận sự đóng góp cống hiến.

Có rất nhiều khả năng khi nói đến danh mục này của gói phúc lợi nhân viên: bao gồm các nhóm hoạt động từ thiện hay công đoàn hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn. Các chương trình hoạt động nhân ngày đặc biệt như Tết thiếu Nhi, Tết Trung Thu, Ngày Phụ Nữ, Ngày Cha Mẹ, Lễ Noel, Ngày Phật Đản,… nếu được Chủ DN tán đồng và hỗ trợ thì cũng là nguồn động viên tinh thần có giá trị nhất định đối với NLĐ.

Thể hiện sự công nhận, tôn trọng và khen thưởng cho những đóng góp đúng lúc.

Một điều khiến nhân viên cảm thấy không hài lòng với chính sách của doanh nghiệp là những gì họ đã làm không được công ty công nhận. Do đó, nhân viên cảm thấy mất động lực, mất hứng thú với công việc và không có động lực để cống hiến. Điều này tuy đơn giản nhưng vẫn còn nhiều DN chưa thực sự lưu tâm đến khía cạnh tâm lý này.

Theo nghiên cứu của OfficeTeam, 66% nhân viên nói rằng họ “có khả năng sẽ rời bỏ công việc của mình nếu họ không cảm thấy được đánh giá cao”. Mỗi người nhân viên đều có những bộ kỹ năng riêng biệt và họ tận dụng những kĩ năng của mình để hoàn thành công việc được giao. Chính vì thế, trân trọng khả năng và công sức nhân viên bỏ ra bằng việc công nhận và khen thưởng xứng đáng cho nhân viên là điều rất cần thiết. Những hành động công nhận và khen thưởng của công ty đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tinh thần, năng suất và sự hài lòng tổng thể của nhân viên trong công việc.

Đánh giá cao và công nhận nhân viên thường xuyên và đúng lúc sẽ thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên, đóng góp phần lớn vào công cuộc phát triển bền vững của công ty.

  • Phúc lợi cho Hiện tại (tức thời) vs cho Tương lai

Phúc lợi quà tặng cho các hành động tức thời

Ngoài những gói phúc lợi mang tính điều luật thể hiện trong HĐ mang tính bắt buộc định kỳ thì những khen thưởng khi có dịp đặc biệt ngẫu nhiên ví dụ như con cái của NLĐ đạt thành tích học tập thi cử đạt thành tích đặc biệt hoặc nhân ngày vợ sinh con thứ 3 hoặc một nhân viên nào đó vừa có hành động nghĩa hiệp được ghi nhận. Những gói quà tinh thần công thêm quà vật chất tức thời này cũng mang ý nghĩa tích cực lớn lao, nhưng giá trị thì lại tùy vào thái độ của Ban lãnh đạo DN vì không quy định bắt buộc.

Phúc lợi cho tương lai (Phát triển nghề nghiệp, đào tạo, hưu trí)

Phát triển nhân viên là chìa khóa để giữ chân những người giỏi vì mọi người đều muốn có cơ hội phát triển trong công việc của họ. Nếu điều này không chuyển thành thăng chức, nhân viên cũng có thể quan tâm đến cơ hội được đào tạo thêm và học các kỹ năng mới. “Hầu hết mọi người đều muốn học hỏi và phát triển. Nếu họ đang làm điều tương tự với các khuôn mẫu ngày này qua ngày khác, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi với nó ”, Chana Anderson, một thành viên của hội đồng chuyên môn đặc biệt của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực cho biết.

Nhân viên cần được đào tạo và tạo cơ hội để cải thiện và nâng cao kỹ năng của họ. Họ liên tục đạt được chỉ tiêu, nhưng cảm thấy không có cơ hội nghề nghiệp hoặc thăng tiến, sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc khác. Khi điều này xảy ra, tổ chức sẽ mất đi nhân tài và những nhà lãnh đạo tiềm năng. Người quản lý cần hiểu rõ về các mục tiêu và nguyện vọng cá nhân của nhân viên và giúp họ đạt được mục tiêu đó, thông qua đào tạo, huấn luyện hoặc cung cấp cho họ kinh nghiệm thực tế về các dự án và nhiệm vụ.

Phúc lợi an ninh tài chính (Trợ cấp hưu trí)

Các công ty quản lý các kế hoạch lương hưu thay mặt cho nhân viên của họ để đảm bảo các chuyên gia có được sự an toàn về tài chính khi họ nghỉ hưu. Kế hoạch lương hưu cho nhân viên thấy rằng chủ DN của họ quan tâm đến tương lai của họ và coi trọng công việc họ đã làm trong những năm làm việc với công ty. Loại bồi thường này có thể giúp các chuyên gia trả tiền cho những trường hợp không lường trước được sau này trong cuộc sống, điều này có thể làm giảm căng thẳng của họ nếu họ gặp phải thử thách như vậy.

Điều quan trọng nhất ở đây là kế hoạch lương hưu trí. Các lợi ích khác để đảm bảo an toàn tài chính là bảo hiểm, lợi ích tài chính cho nhân viên sau khi nghỉ làm việc.

Điều thú vị là theo nghiên cứu, kế hoạch lương hưu được coi là một lợi ích rất quan trọng đối với thế hệ chuẩn bị về hưu, nhưng chúng không nằm trong các phúc lợi được đánh giá cao nhất vì NSDLĐ quan niệm rằng người về hưu không còn đóng góp giá trị cho DN nữa. Ngoài ra, tại một số DN có lao động trẻ họ là càng ít quan tâm hơn.

Báo cáo của các tổ chức tư vấn nhân sự cũng cho thấy rằng căng thẳng về tài chính cá nhân đã trở nên lớn hơn trong những năm qua. Tuy nhiên, một lý do khác để các nhà tuyển dụng bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến những lợi ích như lời khuyên về các khoản vay và tiết kiệm để dành cho tương lai.

  • Phúc lợi về cân bằng cuộc sống

Sắp xếp thời gian và nơi làm việc linh động

Các lợi ích về lối sống bao gồm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và tính linh động. Thời gian làm việc linh động tạo điều kiện cho nhân viên của bạn khả năng quyết định về giờ làm việc của họ và / hoặc vị trí họ muốn làm việc. Các ví dụ khác bao gồm các kỳ nghỉ bổ sung và, một trong những lợi ích khác mà nhân viên coi trọng nhất, nghỉ phép có lương.

Khi nhân viên ngày càng coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ, không có gì ngạc nhiên khi các lợi ích trong lĩnh vực này cũng trở nên phổ biến hơn. Ví dụ như dịch vụ chăm sóc trẻ em, giao hàng tạp hóa, hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe online.

Thách thức và thúc đẩy cạnh tranh

Nhiều nhân viên rời bỏ công việc khi họ không còn thấy khó khăn nữa. Tám giờ một ngày trong văn phòng dường như là mãi mãi khi NLĐ thường xuyên cảm thấy buồn chán. Những nhân viên gặp thử thách thường hoàn thành công việc của họ nhiều hơn và có xu hướng tự hào hơn về công việc của họ. Khi công việc của họ làm họ chán nản, không có nhiều động lực để vượt qua những trách nhiệm công việc cơ bản (D. Warnaar).

Thử thách và cạnh tranh thúc đẩy lòng ham muốn làm việc, tập trung sáng tạo, học tập nâng cao kiến thức của nhân viên. DN phải tạo điều kiện cạnh tranh và thách thức bằng những chương trình cụ thể đem đến sự hứng khởi thôi thúc NLĐ tham gia và lợi ích thiết thực. Những chương trình thi đua nâng cao năng suất, thi đua sáng kiến, danh hiệu cá nhân có thành tích xuất sắc lao động an toàn,… Những chương trình này phải có phần thưởng xứng đáng với sự nỗ lực bỏ ra. Không những thế còn giúp NLĐ học tập nâng cao kiến thức và tay nghề và kết quả thì giúp DN phát triển hơn.

  • Phụ cấp Cấp bậc vs Chuyên môn vs Thâm niên

Các DN nên có các gói phúc lợi thể hiện DN hiểu rõ được từng NLĐ trong tổ chức và thật sự quan tâm đến họ khi họ đã có một quá trình gắn bó với tổ chức lâu dài. Sự gắn bó càng gia tăng khi những gì NLĐ thể hiện qua thời gian làm việc tại DN, cập bậc họ đạt được và có lộ trình phát triển hơn nữa thay vì phải tìm một bến đỗ mới để phát triển lại từ đầu. DN phải thể hiện sự quan tâm bằng những phúc lợi đem đến cho NLĐ. Ví dụ NLĐ gắn bó trên 10 năm thì có kỷ niệm chương và chuyến nghỉ mát do Công ty đài thọ. Những vị trí thuộc từ cấp trưởng phòng trở lên sẽ được mua cổ phần của DN hay mua xe do công ty sản xuất.

Do nội dung bài viết còn dài nên được tải lên dưới dạng file đầy đủ bằng PDF, tại tại Link này

#4Cgroup, #newhorizonacademy, #phucloi, #C&B

DỊCH VỤ TƯ VẤN NHÂN SỰ TRỌN GÓI

0989.617.468 0989.617.468 @4cgroupvn